Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Khả năng của truyện ngắn trong việc thể hiện con người (Tham Khảo)


ThS. Vũ Thị Tố Nga
Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Hải Phòng.

       
Truyện ngắn có nhiều khả năng trong việc thể hiện quan niệm về con người. Do dung lượng nhỏ, nắm bắt những nét bản chất nhất của cuộc sống,... truyện ngắn có khả năng chuyển tải những vấn đề của thời đại, con người, một cách chính xác nhạy bén. Cũng chính điều này đã khiến truyện ngắn trở thành thể loại cho phép nhà văn thử nghiệm và triển khai những khía cạnh mới mẻ, linh hoạt trong quan niệm nghệ thuật về con người.
Những day dứt của kiếp người nhiều khi lại thể hiện trong một anh kéo xe, trong một con điếm muốn tìm một khách làng chơi trong những phút giây cuối cùng của một năm (Ngựa người, người ngựa - Nguyễn Công Hoan); những ám ảnh về cuộc sống tù đọngnhiều khi không phải chỉ thể hiện ở những trí thức, mà nó trở thành nhức nhối trong những kiếp người bé nhỏ (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)... Truyện ngắn đề cập đến nhiều loại người trong xã hội, gắn với mỗi loại người ấy là một vấn đề cần trăn trở, cần lưu tâm của cuộc sống nhân sinh. Anh trí thức có những vấn đề của anh trí thức; người nông dân có những vấn đề của người nông dân, kẻ lang thang có những vấn đề của kẻ lang thang... Truyện ngắn thường chớp lấy những khoảnh khắc của kiếp người, lại có thể chú trọng đến nhiều loại người, cho nên, những vấn đề thời sự, nổi cộm nhất của cuộc sống được nó nắm bắt một cách nhanh chóng, nhạy bén. Sự nhanh chóng nhạy bén này không chỉ thể hiện ở việc nắm bắt vấn đề, mà chỉ tính riêng đến thời gian để ra đời một truyện ngắn cũng có thể nói lên điều đó. Nhà tiểu thuyết phát hiện ra một vấn đề, nhưng để viết được một tiểu thuyết có dung lượng vừa phải, ít nhất nghệ sĩ phải mất một năm. Những vấn đề nóng hổi của thời đại, những cách nhìn nhận mới về con người loé lên trong đầu nhà văn, có thể nói, thời gian để quan niệm ấy hoá thân thành thế giới nghệ thuật sẽ không cần nhiều như tiểu thuyết. Đây là một đặc điểm gắn liền với báo chí của thể loại cỡ nhỏ này. Cùng thể hiện quan niệm con người khó mà hoà hợp được khi bước từ thời chiến vào thời bình, Bảo Ninh đã sử dụng đến dung lượng hàng trăm trang trong tiểu thuyết Thân phận tình yêu, còn Nguyễn Huy Thiệp chỉ cần dùng một truyện ngắn với dung lượng vài chục trang mà cũng không kém phần ấn tượng (Tướng về hưu)...
Truyện ngắn không chỉ nắm bắt một cách nhanh nhạy, mà còn thể hiện một cách ấn tượng và linh hoạt những khía cạnh trong quan niệm nghệ thuật về con người. Không phải là trong tiểu thuyết không xuất hiện những kiểu người như trong truyện ngắn, chỉ có điều những nhân vật đó xuất hiện với tư cách nhân vật phụ nên thường không gây được sự chú ý của người đọc, nhà văn không tập trung làm sáng tỏ những quan niệm mà loại nhân vật này có khả năng thể hiện. Những nhân vật phụ trong tiểu thuyết trở nên ấn tượng hơn, những quan niệm về con người được thể hiện trong những nhân vật đó trở nên sắc nét hơn khi đi vào truyện ngắn, bởi vì trong truyện ngắn, những nhân vật đó trở thành nhân vật chính, mọi chi tiết, sự kiện, ngôn từ chỉ tập trung làm sáng tỏ nhân vật đó, con người đó.
Truyện ngắn không chỉ tạo điều kiện cho nhà văn thể nghiệm và triển khai những khía cạnh mới mẻ, linh hoạt trong quan niệm nghệ thuật về con người mà còn tạo điều kiện khai thác khả năng đồng sáng tạo của độc giả. Đặt con người vào trong "tổng hoà các mối quan hệ xã hội", bên cạnh ý thức, nhân vật còn hiện diện cả phần nội tâm, tiềm thức và vô thức, các tác giả truyện ngắn đã khêu gợi ở người đọc cách lý giải, nhìn nhận con người. Truyện ngắn thường nêu ra các vấn đề của nhân sinh để người đọc tự suy ngẫm, lí giải theo quan niệm của riêng mình. Phương thức tồn tại đầy đủ nhất của tác phẩm văn học chính là tồn tại trong chủ quan tác giả, trong văn bản và trong sự tiếp nhận của độc giả. Khai thác sự đồng sáng tạo từ phía người tiếp nhận không chỉ tạo nên tính dân chủ trong tiếp nhận mà còn tăng sức nặng của những vấn đề được đặt ra. Những vấn đề nhà văn chỉ nêu lên sẽ lớn dần trong sự tiếp nhận. Người đọc không đơn giản là người tiếp nhận một cách thụ động mà còn là người tích cực chủ động tham gia cùng nhà văn vào việc nhìn nhận về con người, bổ sung những quan niệm của mình. Chính vì thế hình tượng nghệ thuật nói chung và quan niệm nghệ thuật về con người nói riêng trong truyện ngắn trở nên phong phú và sâu sắc hơn. Vấn đề đặt ra đối với sáng tác văn học nói chung không đơn giản là chuyện nhà văn viết cái gì, mà là chuyện nhà văn đã gợi lên được điều gì trong lòng độc giả sau khi đọc xong truyện đó. Truyện ngắn đã làm được điều này nhờ sức gợi của mình. Để tạo nên sức gợi, bên cạnh việc lựa chọn cách trần thuật, tác giả truyện ngắn cũng rất chú trọng đến lựa chọn những sự kiện, chi tiết thể hiện các khả năng có thể có của cuộc đời con người. Những số phận, những con người, những sự kiện phức tạp tự nó đã cho phép nhiều cách hiểu khác nhau. Truyện ngắn thường sử dụng cách trần thuật đầy ẩn ý, thường sử dụng các biểu tượng đa nghĩa. Chính điều này đã tạo nên tính hàm súc, cô đọng, chất thơ của thể loại, đồng thời phát huy khả năng đồng sáng tạo của độc giả trong việc đưa ra những quan niệm về con người, về cuộc sống nhân sinh. Người đọc sẽ luôn trăn trở về cách nhìn nhận con người cùng Nam Cao khi đọc Lão Hạc, Chí Phèo, Tư cách mõ...; sẽ luôn bị ám ảnh, và cùng Nguyễn Huy Thiệp suy nghĩ về con người khi đọc những truyện ngắn của ông như: Sang sông, Tướng về hưu, Không có vua...
Nếu đem so sánh một tác phẩm với một tác phẩm thì rõ ràng, khả năng phản ánh hiện thực đời sống, khả năng thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của truyện ngắn không thể bằng tiểu thuyết. Nhưng xét trên phương diện thể loại (bao gồm nhiều tác phẩm) thì truyện ngắn không hề thua kém tiểu thuyết trong lĩnh vực này. Như ta biết, mỗi truyện ngắn thường chỉ thể hiện một quan niệm nghệ thuật về con người; chẳng hạn, truyện Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp yêu cầu chúng ta phải có cái nhìn khác về con người hiện nay, nhiều khi phải "đập tan bình cổ" để tiến đến một tương lai tươi sáng hơn, truyện Bức tranh của Nguyễn Minh Châu lại cho thấy bên trong con người luôn có cả rắn rết lẫn rồng phượng; truyện Đường Tăng của Hoà Vang quan niệm rằng, được làm người là ước mơ cao nhất của muôn loài, hạnh phúc của con người nơi trần thế mới là hạnh phúc đích thực; truyện Biến dạng(Hoá thân) của F. Kafka lại cho thấy sự bất lực của con người trong cuộc sống hiện tại... Như vậy, nhiều tác phẩm gộp lại, ta lại thấy truyện ngắn có khả năng thể hiện một cách khá toàn diện những cách nhìn nhận về con người. Cho nên, xét trên bình diện thể loại, khả năng thể hiện phong phú, đa dạng quan niệm nghệ thuật về con người của truyện ngắn là một thực tế.
Cũng cần phải khẳng định rằng, truyện ngắn tạo thuận lợi cho việc đưa ra những quan niệm nghệ thuật có tầm khái quát cao. Sở dĩ như vậy vì truyện ngắn thường "chớp lấy cái thần thái" của nhân vật. ẩn sau mỗi sự kiện, chi tiết, nhân vật của truyện ngắn, bao giờ cũng là những ý tưởng hết sức sâu sắc. Người đọc có cảm giác như người viết truyện ngắn có sẵn trong đầu những quan niệm (tất nhiên, những quan niệm này cũng được rút ra từ sự quan sát thực tế), rồi tìm những cảnh đời phù hợp với quan niệm ấy. Đọc truyện ngắn, người đọc phải đi ngược lại tiến trình sáng tạo để tìm đến những quan niệm sâu sắc được nhà văn gửi gắm kín đáo. Nhiều triết lí được đưa ra trong truyện ngắn (nhất là truyện rất ngắn), ta có cảm giác như nó gần gũi với những bài học được rút ra từ truyện ngụ ngôn. Chẳng hạn truyện Bé yêu của L. Corxinxki (Nga), truyện Lời nói tình yêu của B. Laxkin, Sự biến hoá kì diệu của R. Kazkova... Nhà văn càng ít miêu tả, thuyết minh cụ thể, chi tiết, thì sức khái quát càng cao. ở một mức độ nào đó, truyện ngắn gần với thơ trữ tình. Đó chính là tính cô đúc, hàm súc, nói ít gợi nhiều. Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ và truyện ngắn đều đạt tính khái quát xã hội cao nhưng truyện ngắn và thơ trữ tình vẫn có những nét riêng trong những khái quát về con người. Có thể nói truyện ngắn là thể loại tạo điều kiện để người sáng tác không ngừng vươn tới giới hạn tối đa trong cách hiểu con người.
Truyện ngắn có nhiều khả năng độc đáo nhưng nó cũng có không ít những giới hạn trong việc thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người.
Trước hết, do phải đảm bảo dung lượng "ngắn", thể loại này chỉ có thể "nêu" lên những quan niệm nghệ thuật về con người. Tức là truyện ngắn, không cho phép lí giải, phân tích, chứng minh, triển khai một cách dài hơi những quan niệm được nhà văn đưa ra. Với một quan niệm nghệ thuật về con người, nhà văn chỉ được phép thể hiện nó trong số lượng chi tiết, nhân vật, sự kiện hết sức hạn chế. Điều này càng bộc lộ rõ trong truyện rất ngắn - một biến thể của truyện ngắn. Truyện Làng gần nhất của F. Kafka thể hiện quan niệm về sự ngắn ngủi của cuộc đời, sự bất lực của con người bằng số lượng chữ cực kì hạn chế (chưa đầy 100 chữ khi được dịch ra tiếng Việt), bằng duy nhất một sự kiện, trùng khít với số chữ: "thật khó hiểu nổi vì sao một chàng trai lại có thể quyết định đi ngựa tới làng gần nhất mà không e ngại - cứ cho là không gặp tai nạn gì đi nữa - rằng một kiếp sống bình thường và trôi chảy, cũng khó mà đủ cho cuộc du lãm ấy". ở một phương diện nào đó, đặc điểm này tạo nên tính khái quát cao cho những quan niệm nghệ thuật về con người được nêu lên trong truyện ngắn, phát huy được khả năng đồng sáng tạo ở độc giả, nhưng mặt khác nó cũng gây trở ngại không nhỏ đối với sự tiếp nhận - nếu người đọc không tinh, không có nhiều kinh nghiệm nghệ thuật, kinh nghiệm cuộc sống, không có sự liên tưởng phong phú... thì hiệu quả của truyện ngắn sẽ không được phát huy đến mức tối đa. Đừng nên nghĩ rằng truyện có dung lượng nhỏ là sẽ dễ đọc hơn tiểu thuyết. Chỉ riêng việc tiếp cận thế giới nghệ thuật, nếu nhà văn sử dụng ít chi tiết, ít sự kiện, viết theo lối nói ít gợi nhiều đã gây khó khăn rất lớn cho người đọc. Tiếp cận những quan niệm của nhà văn về con người - nội dung nghiêng về triết lí, tư tưởng sâu xa - trong thể loại này càng khó hơn rất nhiều. Có nhiều người đã thừa nhận truyện ngắn đích thực không chỉ khó viết mà còn khó đọc. Như vậy, truyện ngắn đã gây không ít khó khăn cho nhà văn trong việc thể hiện cụ thể, chi tiết quan niệm nghệ thuật về con người; đồng thời cũng gây khó khăn cho độc giả trong việc tiếp nhận vấn đề đó. Nếu nhà văn non tay, sẽ dễ làm cho ý tưởng của mình bị lộ liễu, thiếu sức hấp dẫn.
Cũng chính vì chỉ cho phép nhà văn "nêu" quan niệm, nên truyện ngắn hạn chế trong việc thuyết phục toàn diện độc giả. Trong tiểu thuyết, để làm sáng tỏ một quan niệm, nhà văn được phép sử dụng một khối lượng chi tiết, nhân vật, sự kiện khổng lồ với nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau. Khó ai có thể phủ nhận được quan niệm: trong xã hội tư sản, con người trở thành nô lệ cho đồng tiền, tính cách con người bị thay đổi theo sự thay đổi của môi trường sống khi đọc những tiểu thuyết của O. Bazăc. Người đọc cũng bị chinh phục bởi quan niệm cuộc đời, con người trên thế gian này thật là phi lí khi đọc Người xa lạ của A. Camus... Sở dĩ như vậy, vì trong tác phẩm, có rất nhiều chi tiết cùng tập trung thể hiện vấn đề đó - một sự việc, một hành động, một số phận chưa đủ sức thuyết phục, thì đã có những sự việc khác, hành động khác, số phận khác hỗ trợ. Trong khi đó, phần lớn truyện ngắn chỉ có một sự kiện chính với số chi tiết, số nhân vật hạn chế. Truyện ngắn mạnh về sức gợi nhưng lại hạn chế trong việc thuyết phục toàn diện.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, những khả năng của truyện ngắn được phát huy và những hạn chế được khắc phục ở mức độ khác nhau, gắn với những quan niệm nghệ thuật khác nhau về con người. Sau 1975, trong giai đoạn mới, truyện ngắn đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh hiện thực con người một cách nhanh nhạy và sắc bén. Với đặc trưng cơ bản của thể loại, truyện ngắn đã tạo cơ sở cho sự biểu hiện những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người. Có thể nói chưa bao giờ trong văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng, con người lại được khai thác ở nhiều chiều kích và bình diện đến vậy. Tiếp cận với thế giới nhân vật trong các sáng tác, người đọc như được tiếp xúc với những con người có thực ở ngoài đời, cũng sinh động, phong phú và không kém phần phức tạp. Với ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, truyện ngắn góp phần làm cân bằng hài hoà trở lại cách nhìn nhận con người về mặt cộng đồng tập thể của giai đoạn văn học trước./.


Tạp chí Nghiên cứu Văn học sô 5/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét